Hệ điều hành của một máy tính là phần mềm đucợc thiết lập chạy trên máy tính, sử dụng cho mục đích điều hành, quản lý các thiết bị phần cứng và các tài nguyên trên máy tính. Hệ điều hành là trung gian trong giao tiếp giữa người sử dụng và phần cứng máy tính.


Các hệ điều hành phổ biến:

Có 2 loại hệ điều hành trên máy tính hiện nay được sử dụng chủ yếu gồm:

  • Hệ điều hành bản quyền:  đây là hệ điều hành mà mã nguồn không được công bố. Muốn sử dụng loại hệ điều hành bản quyền thì người sử dụng phải mua lại bản quyền từ các nhà phân phối chính thức. Các hình thức sử dụng do sao chép là những hành động không hợp pháp. Việc sử dụng hệ điều hành bản quyền đem lại nhiều lợi ích như việc cài đặt, thao tác được dễ dàng, tăng hiệu suất hoạt động, kèm theo nhiều ứng dụng và tiện ích, có quyền cập nhật những bản vá lỗi hệ thống hay phần mềm, được nâng cấp lên phiên bản mới hơn khi có sự thay đổi về phiên bản, vv…
  • Hệ điều hành mã nguồn mở:  là hệ điều hành với mã nguồn được công bố và sử dụng cho phép bất cứ ai cũng có thể nghiên cứu, thay đổi và cải tiến, phân phối ở dạng chưa thay đổi hoặc đã thay đổi và được miễn phí bản quyền phần mềm và các phiên bản nâng cấp trong quá trình sử dụng. Sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở thường ít bị tấn công bởi virus và tin tặc (Hacker).

Với xu hướng toàn cầu hóa thì vấn đề bản quyền hệ điều hành đang là một vấn đề nổi cộm. Hệ điều hành mã nguồn mở được xem là một giải pháp hữu hiệu nhất cho bài toán bản quyền hệ điều hành ở nước ta hiện nay. Hệ điều hành mã nguồn mở một mặt có chi phí rẻ hơn so với các hệ điều hành truyền thống, mặt khác rất dễ nâng cấp, cải tiến (do cung cấp mã nguồn kèm theo). Chính vì thế, phát triển hệ điều hành mã nguồn mở ta có thể tận dụng được những công nghệ tiên tiến có sẵn trên thế giới, cải tiến cho phù hợp với người Việt Nam, điều này tiết kiệm được rất nhiều công sức so với việc phát triển từ đầu.

Linux là một hệ điều hành mã nguồn mở như vậy, Linux có sẵn ngôn ngữ tiếng Việt, có độ an toàn cao thông qua cơ chế phân quyền rõ ràng và chặt chẽ. Ngoài ra, tính “mở” cũng tạo nên sự an toàn cao khi sử dụng Linux vì nếu một lỗ hổng bảo mật bất kì được phát hiện trên Linux thì nó sẽ được cả cộng đồng mã nguồn mở cùng sửa và thường sẽ đưa ra bản vá lỗi một cách nhanh chóng. Các bản phân phối chủ yếu của Linux có thể kể đến như: Ubuntu, Debian, RedHat, Fedora, OpenSUSE, Mint, CentOS, Gentoo, Open Solaris …

Các hệ điều hành đang sử dụng phổ biến tại Việt Nam.

Tại Việt Nam hiện nay, hệ điều hành máy chủ được sử dụng phổ biến là phần mềm Windows gồm Microsoft Windows Server 2003, Microsoft Windows Server 2008. Với máy tính cá nhân, hệ điều hành được sử dụng phổ biến là Microsoft Windows 7, Microsoft Windows Vista, Microsoft Windows 8, và Microsoft Windows 10 . Với những ưu điểm vượt trội, dễ dàng trong thao tác và sử dụng đã làm cho hệ điều hành này trở nên quen thuộc với hầu hết người sử dụng tại Việt Nam. Microsoft Windows là tên của các dòng phần mềm hệ điều hành độc quyền của hãng Microsoft, lần đầu tiên Microsoft giới thiệu một môi trường hệ điều hành mang tên Windows (Cửa sổ) vào tháng 11 năm 1985 sử dụng giao diện đồ hoạ (Graphical User Interfaces, gọi tắt là GUI). Từ đó đến nay, Microsoft Windows dần dần chiếm ưu thế trong thị trường máy tính cá nhân trên toàn thế giới với số lượng bản được cài đặt khoảng 90% vào năm 2004.

Windows là phần mềm nguồn đóng có bản quyền do công ty Microsoft giữ và kiểm soát việc phân phối. Vì lý do này, Microsoft đang có một vị trí độc quyền trong lĩnh vực hệ điều hành máy tính cá nhân. Tất cả các phiên bản hệ điều hành gần đây của hệ điều hành Windows đều dựa trên sự phát triển từ phiên bản đầu tiên. Ngoài các phiên bản hệ điều hành của hãng Microsoft thì hệ điều hành mã nguồn mở Ubuntu dành cho máy tính cá nhân cũng đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam.

Bút Chì